Là cơ quan nội tạng đơn lớn nhất trong cơ thể, gan nằm ở góc phần tư trên - bên phải vùng bụng. Nhiệm vụ của gan là loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, xử lý các chất dinh dưỡng và giúp điều chỉnh sự trao đổi chất cơ thể. Do đó, kiểm soát tốt thực phẩm nạp vào đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của gan.
Ngoài việc ăn những thực phẩm có lợi cho gan, bạn nên biết thêm những món ăn, thực phẩm hại gan để hạn chế hoặc tránh xa. Thức ăn nhanh, các món ăn chế biến từ măng (vịt nấu măng, canh chua măng) và rau sống ăn kèm đều là các món phổ biến, nhưng chúng lại đang dần tổn hại sức khỏe gan hằng ngày.
1. Thức ăn nhanh
Thức ăn nhanh vừa tiện dụng lại vừa là món khoái khẩu của rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, dân văn phòng. Nhiều bạn nghĩ ăn thức ăn nhanh (gà rán, pizza, khoai tây chiên...) chỉ gây tăng cân hoặc mỡ trong máu cao, nhưng trên thực tế chúng còn gây tổn hại nghiêm trọng đến gan.
Khi cơ thể hấp thu quá nhiều dầu mỡ, chất béo có trong thức ăn nhanh, gan sẽ phải tăng cường hoạt động để chuyển hóa chất béo. 60 – 70% chất béo (lipid) chuyển thành triglyceride được gan dự trữ lại. Khi triglyceride không chuyển dạng thành beta lipoprotein theo máu rồi được tới các mô, để oxy hoá và giải phóng năng lượng sẽ dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ.
Phần lớn các trường hợp gan nhiễm mỡ đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi xuất hiện triệu chứng thì bệnh đã diễn tiến nặng sang
viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan và thậm chí là ung thư gan. Do đó, để bảo vệ gan, trong chế độ ăn hàng ngày, bạn nên hạn chế thức ăn nhanh, cũng như các món chiên xào nhiều dầu mỡ.
2. Măng tươi
Măng tươi có chứa nhiều cyanide. Cyanide là một gốc a-xít (-CN) mà hợp chất của nó bao gồm các muối hoặc a-xít, có đặc tính rất độc, liều gây tử vong qua đường tiêu hóa là 1mg cho một kg trọng lượng cơ thể. Thế nhưng nhiều bạn do không biết vẫn thường xuyên ăn canh chua măng, vịt nấu măng.
Để bảo vệ gan, bạn nên hạn chế ăn các món chế biến từ măng, đồng thời cần lưu ý chọn măng có màu vàng và vị chua vì đã được luộc và ngâm nước, lúc này lượng cyanide trong măng đã bị hủy gần hết, để có thể sử dụng an toàn loại thực phẩm này khi cần.
3. Rau sống ăn kèm
Ăn rau sống cuốn bánh tráng, bóp rau sống thành các loại gỏi (gỏi rau càng cua, gỏi chuối...) là những thói quen ăn uống phổ biến của nhiều người, đặc biệt là dùng giải nhiệt vào những lúc thời tiết nắng gắt. Nhưng việc ăn rau sống tiềm ẩn nhiều nguy hại lên gan nếu không được vệ sinh rau kỹ.
Ngâm rau trong nước thuốc tím, nước muối nhiều giờ gần như không có tác dụng gì với trứng giun, một số vi khuẩn, ký sinh trùng, chỉ giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Rau được tưới phân tươi có thể nhiễm entamoeba coli, gây áp xe gan,
viêm gan.
Vì thế, nếu muốn sử dụng rau sống như một thực phẩm ăn kèm, bạn nên rửa rau trước, cắt rau sau, rửa trực tiếp từng lá rau, loại bỏ các lá sâu, hỏng nhưng cũng không nên không ngâm quá lâu vì sẽ mất vitamin, khoáng chất.
Đồng thời, trước vấn nạn thực phẩm bẩn hiện nay, không chỉ riêng các thực phẩm, món ăn trên, bạn cũng nên cẩn thận trong việc chọn lựa nguồn thực phẩm hàng ngày. Nếu lượng độc chất từ thực phẩm bẩn tích tụ trong cơ thể tăng dần theo thời gian, sẽ âm thầm làm cho gan bị hủy hoại nghiêm trọng bởi tế bào Kupffer bị kích hoạt quá mức trong quá trình khử độc tại gan, khiến tế bào này phóng thích ra các chất gây viêm làm tổn thương gan. Hậu quả là gây ra nhiều tình trạng bệnh lý tại gan như tăng men gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan cũng như nhiều bệnh lý tại các cơ quan khác.
Như Quỳnh