Hút thuốc lá không chỉ hại phổi, tim, như nhiều cảnh báo dành cho con người. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy hút thuốc lá cũng có mối liên hệ với ung thư gan. Thậm chí, khói thuốc lá không chỉ gây hại gan cho người hút mà còn ảnh hưởng đến tế bào gan của thai nhi trong bụng mẹ.
Hút thuốc lá tăng nguy cơ ung thư gan
Năm 2011, các nhà khoa học từ Mỹ và châu Âu đã tiến hành nghiên cứu trên 125 bệnh nhân ung thư gan để xác định những yếu tố nguy cơ đã góp phần làm hình thành và tiến triển bệnh lý dựa trên chế độ ăn uống, lối sống và các yếu tố môi trường của các đối tượng nghiên cứu.
Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy 40% các trường hợp ung thư gan trong nghiên cứu có liên quan đến hút thuốc, 16% có liên quan với béo phì và 10% có liên quan với mức tiêu thụ rượu nặng, gần 21% các trường hợp có liên quan với viêm gan siêu vi C và 13% với
bệnh viêm gan siêu vi B.
Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy tỉ lệ ung thư gan có liên quan đến thuốc lá cao hơn cả cả trường hợp liên quan đến viêm gan virus, béo phì và rượu bia.
Gan nhiễm mỡ, chớ hút thuốc
Trong một bài xã luận đi kèm với báo cáo kết quả nghiên cứu, tiến sĩ Morris Sherman và tiến sĩ Josep M. Llovet làm rõ rằng hút thuốc tuy không trực tiếp gây ra ung thư gan, nhưng nó làm tăng đáng kể nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan ở những người viêm gan siêu vi B hoặc C hay gan nhiễm mỡ do rượu bia.
Tuy không trực tiếp làm ung thư gan nhưng quá trình “đầu độc” gan do thuốc là diễn ra một cách khá âm thầm. Hơn 4000 hóa chất độc hại có trong thuốc lá phải qua gan để được gan giảm độc tính, biến các chất độc thành chất không độc hoặc ít độc hơn, dễ tan trong nước rồi thải ra ngoài qua phân và nước tiểu. Các độc chất này khiến tế bào gan làm việc quá sức khi thực hiện vai trò khử độc, làm sản sinh các sản phẩm trung gian kích hoạt tế bào Kupffer - một đại thực bào nằm ở xoang gan - hoạt động quá mức, làm cho tế bào này phóng thích ra các chất gây viêm như TNF-α, TGF-β, Interleukin… gây tổn thương, hủy hoại tế bào gan.
Gần đây, khi phân tích cơ chế sinh bệnh của các bệnh lý gan, thông qua nhiều nghiên cứu chuyên sâu ở cấp độ sinh học phân tử, Hiệp hội Nghiên cứu các Bệnh lý Gan (AASLD – Mỹ) cảnh báo, Kupffer bị kích hoạt quá mức do các yếu tố độc hại như virus, vi khuẩn, hóa chất, thuốc lá đóng vai trò quan trọng trong cơ chế bệnh sinh nhiều bệnh lý gây bệnh gan nguy hiểm ở gan.
Mẹ hút thuốc sẽ tăng khả năng mắc bệnh gan cho thai nhi
Trong khi những nghiên cứu về tác hại của khói thuốc lá đến các cơ quan trong cơ thể như phổi, hệ tim mạch, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, gan, thận…vẫn chưa dừng lại, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Scotland công bố trên tạp chí Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism năm 2015 cho thấy, những người phụ nữ đang mang thai hút thuốc lá hoặc hít phải khỏi thuốc thụ động có thể làm cho thai nhi trong bụng dễ mắc các bệnh về gan.
Khói thuốc lá gây có khả năng làm dị tật bào thai trong đó có tăng nguy cơ mắc bệnh gan ở thai nhi
Cụ thể, Tiến sĩ David Gray, từ Đại học Edinburgh cho biết, khói thuốc lá gây ra những thay đổi quá trình tổng hợp protein trong gan của thai nhi. Khi người mẹ hút thuốc, gan của thai nhi sẽ có khả năng chuyển hóa và vai trò khử độc bị giảm đi.
"Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng những thay đổi trong quá trình chuyển hóa protein của gan bào thai khi tiếp xúc với thuốc lá từ trong bụng mẹ có liên quan đến các bệnh lý về gan, ung thư và hội chứng chuyển hóa ở tuổi trưởng thành", tiến sĩ David Gray cho biết.
Theo Scotsman.com và Cancer.org