Bao quát về bệnh xơ gan cổ trướng
Bệnh xơ gan cổ trướng – vì đâu nên nỗi?
Xơ gan điển hình cho sự suy giảm chức năng hoạt động của gan. Trong bệnh này, bề mặt gan hình thành những nốt chai sần khiến gan không thể thực hiện được chức năng tuần hoàn máu, lọc thải độc tố, phân tích và dự trữ các chất. Căn bệnh này còn có một tên gọi khác đó là xơ gan cổ trướng.
Bệnh xơ gan cổ trướng thường xảy ra ở những người nghiện bia rượu; bị nhiễm virus viêm gan B, C; gan nhiễm mỡ; do tác dụng phụ của thuốc hoặc do các bệnh di truyền (như thừa chất sắt và xơ nang), chứng xơ gan mật nguyên phát, bệnh nhiễm trùng gan mật mạn tính, viêm gan tự miễn.

Rượu là nguyên nhân chính gây xơ gan cổ trướng, đặc biệt là ở Việt Nam
Trướng bụng đặc trưng cho tên gọi của bệnh
Với giai đoạn xơ gan còn bù, thường dấu hiệu lâm sàng mờ nhạt, không đặc trưng, đôi khi chỉ là chậm tiêu, chán ăn hay rối loạn giấc ngủ… Nhưng đến giai đoạn mất bù thì khác. Lúc này, các triệu chứng mới bắt đầu bộc lộ rõ nét, làm cho người bệnh “ăn không ngon, ngủ không yên”.
Vào giai đoạn mất bù, trướng bụng là triệu chứng đặc trưng nhất khi nhìn vào bệnh nhân xơ gan. Vì vậy, người ta lấy cổ trướng làm tên gọi cho cả căn bệnh này. Triệu chứng cổ trướng hay còn gọi là tràn dịch màng bụng là tình trạng phình to ở ổ bụng. Ở những bệnh nhân xơ gan cổ trướng, giữa lá thành và lá tạng của màng bụng xuất hiện một lượng dịch. Dịch này có màu vàng nhạt, bao gồm một lượng lớn protein dạng albumin.
Bệnh càng vào giai đoạn nặng thì dịch sẽ càng nhiều. Bụng to khiến cho lưng và hông căng cứng, đau nhức, khó thở. Trong khi đó, sức khỏe người bệnh xơ gan cổ trướng lại ngày càng suy kiệt, cân nặng giảm sút. Lượng dịch tràn xuống hai chân gây phù nề ở bàn chân.
Xuất hiện dấu hiệu vàng niêm mạc mắt. Sau đó lan ra toàn bộ cơ thể. Da có thể bị bầm hoặc xuất hiện các dấu hình sao mạch. Các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa gây nôn ói, táo bón. Giai đoạn này phân đại tiện sẽ có màu đen.
Giai đoạn này người bệnh có thể bị hôn mê do gan không thể lọc được amoniac. Các triệu chứng thiếu máu, suy thận… luôn “túc trực” thường xuyên.
Chủ yếu là hạn chế tổn thương gan và biến chứng
Bệnh xơ gan diễn biến thầm lặng và phức tạp. Với xơ gan còn bù, triệu chứng không đặc hiệu nên một số bệnh nhân vẫn sinh hoạt và lao động bình thường trong một thời gian dài. Nhưng khi xơ gan chuyển sang giai đoạn mất bù thì tiên lượng sống thêm rất ngắn và tùy thuộc vào biến chứng nào xảy ra. Ở giai đoạn này, chắc chắn là chất lượng sống giảm, tuổi thọ giảm và bệnh nhân phải nhập viện nhiều ngày, thời gian tái khám ngắn lại, điều trị tốn kém hơn… Lúc này bệnh đã thực sự trở thành gánh nặng y tế với bệnh nhân, gia đình và xã hội. Những biến chứng nguy hiểm của xơ gan cổ trướng cần người bệnh và những người thân trong gia đình người bệnh nên biết là ung thư gan, hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch chủ; xuất huyết tiêu hóa và nhiễm trùng.
Vì vậy, khi xuất hiện các triệu chứng này, người bệnh phải ngay lập tức điều trị, không được tùy tiện sử dụng thuốc mà phải tuyệt đối tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Ở giai đoạn mất bù của xơ gan cổ trướng, khả năng hồi phục cho gan rất khó khăn. Mục đích của việc điều trị là làm chậm quá trình tổn thương gan và giảm nguy cơ biến chứng của bệnh. Phương pháp quan trọng đầu tiên là cần phải loại bỏ bia rượu, các loại thuốc điều trị và các hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến gan (tham khảo ý kiến của bác sĩ về loại thuốc đang dùng).

Ăn mặn là “tối kỵ” với người bị xơ gan cổ trướng
Phương pháp điều trị hỗ trợ kế tiếp là chế độ ăn và nghỉ ngơi hợp lý. Hạn chế ăn chất đạm khi có dấu hiệu phù nề; có chế độ ăn nhạt nhưng nhiều năng lượng; hạn chế mỡ; hạn chế chất lỏng (để kiểm soát sự tích lũy dịch lỏng trong cơ thể). Đối với trường hợp tích tụ nước ở bụng (cổ trướng) hay phù nề nặng, người bệnh có thể dùng thuốc lợi tiểu hoặc chọc hút dịch ra khỏi cơ thể.
Nếu tổn thương gan tiến triển dẫn đến suy gan, bác sĩ có thể chỉ định cấy ghép gan. Nhưng chi phí còn cao và khó tìm được gan tương thích.