Thuốc chứa Paracetamol có thể gây ngộ độc, tổn thương gan
Paracetamol (dạng viên hoặc sủi) là thành phần có trong các loại thuốc giảm đau, giảm sốt. Do đây là thuốc không cần kê đơn, hiệu quả cắt cơn nhanh chóng nên được sử dụng rất rộng rãi. Thế nhưng nếu dùng paracetamol thường xuyên, quá liều sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc, tổn thương gan.
Paracetamol dùng sai cách gây hại gan như thế nào?
So với rất nhiều các loại thuốc khác, thuốc chứa acetaminophen hay còn gọi dưới tên thông dụng là paracetamol dù ở dạng đơn chất hay kết hợp thường khá lành tính, ít tác dụng phụ và không cần kê toa, nên thường được các dược sĩ tại nhà thuốc ưu tiên khi các mẹ muốn mua thuốc giảm đau, hạ sốt cho chồng con. Thậm chí, nhiều mẹ còn thủ sẵn vài viên thuốc ở nhà để bữa sau đỡ “mắc công” ra mua thêm lần nữa.
Thế nhưng, paracetamol nếu dùng quá liều, thậm chí dùng ở liều bình thường nhưng trong thời gian dài vẫn có thể gây ngộ độc gan, làm tổn thương các tế bào gan.
Khi chúng ta uống paracetamol sẽ hấp thu vào máu, sau đó được đưa đến gan. Tại gan, hệ enzym cytochrome P-450 sẽ thực hiện vai trò chuyển hóa paracetamol thành nhiều chất, trong đó có một chất rất độc cho gan là N-acetyl-p-benzoquinoneimine (NAPQI).

Uống paracetamol thường xuyên có thể gây ngộ độc gan.
NAPQI nhanh chóng được kết hợp bởi glutathione thành những sản phẩm chuyển hóa không độc. Ở liều bình thường, NAPQI sẽ bị trung hòa bởi Glutathione – là một chất chống oxy hóa chủ yếu của gan. Nhưng khi paracetamol được dùng ở liều cao, độc chất NAPQI tích tụ ở gan càng nhiều, lượng glutathione không đủ để trung hòa NAPQI sẽ gây nhiễm độc gan.
Chất độc tích tụ ở gan nhiều, khiến cho gan phải hoạt động liên tục để thực hiện vai trò khử độc, từ đó làm sản sinh ra các chất trung gian. Các chất này sẽ kích hoạt tế bào Kupffer hoạt động quá mức. Tế bào Kupffer là một loại đại thực bào nằm trong xoang gan – nơi dẫn máu ra, vào gan, là tế bào đầu tiên ở gan tiếp xúc với các vi khuẩn, độc tố, tạo phản ứng miễn dịch. Khi tế bào này hoạt động quá mức sẽ phóng thích ra các chất gây viêm như NF-α, TGF-β, Interleukin… làm tổn thương, hoại tử các tế bào gan, tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan, xơ gan.
Ngoài ra, với những người thường hay uống bia rượu, nếu lạm dụng paracetamol nguy cơ tổn thương gan càng cao. Vì chất cồn trong bia, rượu sẽ làm ảnh hưởng đến vai trò chuyển hóa của gan đồng thời làm biến đổi cấu trúc phân tử của các hoạt chất trong paracetamol khiến cho độc chất tích tụ trong gan càng nhiều, gan mau chóng bị hủy hoại. Vì thế, thói quen để chồng uống paracetamol giảm đau đầu sau khi nhậu say vô tình lại tăng thêm gánh nặng khử độc cho gan.
Những lưu ý khi dùng Paracetamol
Nếu cơ thể không quá đau nhức thì không nên dùng paracetamol. Trong trường hợp bị sốt, nếu nhiệt độ thấp hơn 38 độ rưỡi, trước tiên hãy chườm mát cơ thể, nếu thấy nhiệt độ không giảm xuống hãy dùng paracetamol.
Khi dùng paracetamol, cần đặc biệt lưu ý về liều lượng. Liều lượng cho người lớn phải đảm bảo không vượt quá 4 gam/ngày, với trẻ em không quá 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần dùng. Khi uống paracetamol phải dùng cách nhau 4h đồng hồ. Đặc biệt, không nên tự ý dùng paracetamol liên tục trong nhiều ngày (quá 10 ngày ở người lớn và 5 ngày ở trẻ em) vì đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh nào đó cần được chẩn đoán và hỗ trợ cải thiện dưới sự giám sát của chuyên gia.

Bạn chỉ nên sử dụng thuốc chứa paracetamol khi thật sự cần thiết.
Ngoài ra, trước hoặc sau khi dùng thuốc, chúng ta không nên uống bia, rượu vì chất cồn có thể làm tăng độc tính của paracetamol, làm tăng nguy cơ ngộ độc, nguy hiểm cho gan.
Bên cạnh việc không tự ý dùng thuốc, cũng cần chủ động chống độc, bảo vệ gan bởi đứng trước vòng vây độc chất (lạm dụng thuốc, thực phẩm bẩn, nguồn nước ô nhiễm), một khi gan bị nhiễm độc, hư tổn thì rất khó phục hồi vì thế việc giải độc gan theo cách hiểu thông thường chưa đủ. Do vậy, mọi người cần chủ động hỗ trợ phòng ngừa ngay từ sớm, kiểm soát từ gốc cơ chế sinh bệnh gây tổn thương bộ phận này.