11 Câu hỏi về viêm gan B bạn cần phải biết
Biến chứng nặng nhất của viêm gan B mạn tính là xơ gan, thậm chí ung thư gan. Do đó mỗi người cần tự trang bị cho mình những kiến thức căn bản về căn bệnh nguy hiểm này để có những phương pháp phòng tránh và ngăn ngừa đúng cách.
1. Làm thế nào để phát hiện nhiễm virus viêm gan B?
Nếu chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng thì rất khó để chẩn đoán người bệnh có mắc virus viêm gan B không. Do đó, để xem xét sự có mặt của virus viêm gan B cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Dựa vào kết quả xét nghiệm bác sĩ sẽ biết được tình trạng sức khỏe của gan, từ đó có liệu trình điều trị phù hợp nếu mắc bệnh.
Một số xét nghiệm viêm gan B thường được áp dụng như:
– Xét nghiệm HbsAg đây là xét nghiệm kháng nguyên trên bề mặt virus. Nếu kết quả cho HbsAg dương tính là bạn đang nhiễm virus, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm khác để xác định nồng độ virus cũng như mức độ tổn thương gan. Ngược lại nếu kết quả HbsAg âm tính nghĩa là không có sự hiện diện của virus trong cơ thể.
– Xét nghiệm anti-HBs đây là xét nghiệm kháng thể bề mặt virus viêm gan B. Xét nghiệm này giúp kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể đối với virus viêm gan B. Nếu nồng độ anti-HBs >10mUI/ml được xem là có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi virus viêm gan B.
Ngoài ra, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm AST, ALT, xét nghiệm HbeAg… để đánh giá chức năng gan, lượng virus, khả năng nhân lên của virus….
2. Đối tượng nào cần xét nghiệm viêm gan B?
Mặc dù bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc virus viêm gan B, tuy nhiên những đối tượng dưới đây có nguy cơ cao mắc viêm gan B cao hơn và cần làm xét nghiệm kiểm tra:
– Phụ nữ mang thai là đối tượng cần xét nghiệm sàng lọc viêm gan B. Xét nghiệm giúp đánh giá tình trạng sức khỏe của thai phụ và dự phòng viêm gan B sớm cho trẻ.
Phụ nữ mang thai là đối tượng cần được ưu tiên sàng lọc viêm gan B
– Người sống ở khu vực có tỷ lệ mắc viêm gan B cao.
– Trong gia đình có người thân hoặc người tình bị nhiễm viêm gan siêu vi B.
– Người bị nhiễm HIV, phải điều trị hóa học hoặc lọc máu liên tục.
– Nhân viên y tế và điều dưỡng thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân (máu) cũng có nguy cơ mắc viêm gan B cao.
3. Bị nhiễm virus viêm gan B trong quá khứ, có bị nhiễm lại không?
Nếu đã bị nhiễm virus viêm gan B trong quá khứ và virus đã được loại bỏ, đào thải khỏi cơ thể thì bạn không thể bị nhiễm lại, vì đã có các kháng thể bảo vệ cơ thể không bị tái nhiễm. Tuy nhiên, một số trường hợp khác như mắc viêm gan B do di truyền, mắc viêm gan B mạn tính vẫn có thể bị nhiễm virus suốt đời. Do đó, cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong điều trị và phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.
4. Viêm gan B có lây truyền qua thức ăn và đồ uống không?
Viêm gan B là căn bệnh có khả năng lây truyền cao. Con đường lây nhiễm của viêm gan B khá đa dạng như lây truyền từ mẹ sang con, qua đường máu và quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh.
Nhiều người tỏ ra lo ngại rằng viêm gan B có thể lây nhiễm qua đường ăn uống. Cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào chỉ ra rằng virus HBV lây truyền từ người này sang người khác qua đường ăn uống. Virus siêu vi B sẽ bị giết bởi dịch tiêu hóa trong dạ dày nếu người bình thường nuốt phải. Do đó, bạn hoàn toàn có thể yêu tâm khi cùng ăn uống, sử dụng chung bát đũa với người mắc bệnh.
5. Thời điểm nào virus viêm gan B truyền từ mẹ sang con?
Virus viêm gan B có khả năng truyền từ mẹ sang con với tỷ lệ 10-20%, tỷ lệ này có thể tăng lên 80-90% nếu phụ nữ mang thai mắc viêm gan B ở 3 tháng cuối thai kỳ. Virus viêm gan B truyền từ mẹ sang con vào các thời điểm như:
– Trong khi mang thai
Ở giai đoạn đầu thai kỳ, máu mẹ và thai nhi không tiếp xúc với nhau mà được ngăn cách bằng một hàng rào nhau thai – nơi trao đổi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên sau thai nghén (sau tháng thứ 4) lá nuôi tế bào biến đi, các mô liên kết giảm đáng kể. Hàng rào nhau thai trở nên rất mỏng, do đó máu của mẹ có thể tiếp xúc với máu thai nhi và nếu người mẹ nhiễm virus viêm gan B có thể truyền nhiễm cho thai nhi.
– Trong lúc chuyển dạ
Trong lúc chuyển dạ cơ tử cung co thắt khiến các mạch máu nơi nhau bám cũng co thắt theo, lúc này máu mẹ có thể tiếp xúc trực tiếp với máu con, ở thời điểm này có đến 90% các trường hợp lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con.
– Thời kỳ cho con bú
Mặc dù đã tìm thấy sự hiện diện của virus viêm gan B trong sữa non của người mẹ với nồng độ rất thấp tuy nhiên, khả năng lây nhiễm qua các dịch này cũng không cao.
Nếu trẻ bị nhiễm viêm gan B trong giai đoạn này có thể do đầu vú mẹ và miệng bé bị tổn thương, huyết thanh chứa virus viêm gan B sẽ tiếp xúc với máu của trẻ khi bú trực tiếp. Do đó, các bà mẹ bị viêm gan B khi cho con bú phải chăm sóc cẩn thận, tránh bị nứt nẻ núm vú, vệ sinh núm vú trước và sau khi trẻ bú, cho trẻ bú đúng cách nhằm hạn chế nguy cơ truyền nhiễm bệnh cho trẻ.
Người mẹ mắc viêm gan B trong lúc cho con bú nếu núm vú mẹ và miệng con bị tổn thương có thể lây truyền virus viêm gan B cho trẻ
6. Thời gian thụ thai thích hợp sau khi tiêm ngừa viêm gan B là khi nào?
Trước đây, việc tiêm ngừa vắc xin viêm gan B được khuyến cáo ít nhất 3 tháng để an toàn cho thai nhi. Nhưng hiện nay, nhiều nghiên cứu cho rằng thời điểm thụ thai cách thời điểm tiêm mũi ngừa viêm gan B cuối cùng ít nhất một tháng là đủ an toàn cho cả mẹ và bé.
Khi tiêm ngừa vắc xin viêm gan B bạn cần đến các trung tâm tiêm chủng uy tín và chất lượng với hệ thống bảo quản, tiêm chủng an toàn, hiện đại và cao cấp (Ảnh cung cấp: Hệ thống trung tâm tiêm chủng Trẻ em & Người lớn VNVC)
Trong trường hợp phụ nữ có thai nhưng vẫn còn trong kế hoạch tiêm chủng hãy dừng ngay việc tiêm ngừa. Tuy vắc xin viêm gan B không trực tiếp ảnh hưởng đến thai nhi, nhưng hệ miễn dịch của mẹ bầu lại suy giảm. Hơn nữa, các bác sĩ cũng rất khó đưa ra kết luận đánh giá về hiệu quả phòng ngừa vì lúc này cơ thể mẹ bầu không phản ứng với vắc xin.
7. Có thể tiêm ngừa vắc xin viêm gan B cùng lúc với các loại vắc xin khác không?
Cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc tiêm ngừa vắc xin viêm gan B cùng lúc với các loại vắc xin khác là có hại hay giảm hiệu quả. Do đó, bạn hoàn toàn yên tâm khi tiêm ngừa vắc xin viêm gan B cùng lúc với các loại vắc xin khác.
8. Vì sao cần tiêm ngừa vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ sau khi chào đời?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ sơ sinh được tiêm ngừa vắc xin viêm gan trong vòng 24 giờ đầu sau sinh sẽ có tạo hệ miễn dịch rất lớn. Vì viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con, do đó mục đích quan trọng của việc tiêm ngừa vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh là để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm virus từ mẹ, đồng thời bảo vệ trẻ khỏi virus viêm gan B từ môi trường xung quanh.
9. Có thể tiêm ngừa vắc xin viêm gan B khi mang thai hoặc cho con bú không?
Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC), vắc xin viêm B là vắc xin bất hoạt (không chứa virus sống) do đó cả thai kỳ và cho con bú đều không phải là chống chỉ định của vắc xin viêm gan B. Hiện nay, các loại vắc xin viêm gan B là vắc xin tái tổ hợp bất hoạt động không gây nhiễm và không gây nguy hiểm cho thai nhi và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chị em khi mang thai hoặc đang cho con bú cần trao đổi về vấn đề tiêm ngừa vắc xin viêm gan B với các bác sĩ chuyên khoa để nhận được phương án hữu ích nhất.
10. Virus viêm gan B ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?
Mẹ bầu nhiễm viêm virus viêm gan B khiến tỷ lệ trẻ sinh ra bị nhẹ cân hơn những đứa trẻ khỏe mạnh khác. Nếu mang thai bị viêm gan B mạn tính ở 3 tháng cuối thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non. Nếu trẻ sơ sinh nhiễm viêm gan B sẽ có nguy cơ cao trở thành mầm bệnh truyền nhiễm virus cho người khác. Bước vào độ tuổi trưởng thành, khoảng 25% trường hợp viêm gan B sẽ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.
11. Phòng ngừa viêm gan B bằng cách nào?
Phương án đầu tiên trong việc phòng ngừa viêm gan B được các chuyên gia khuyến cáo đó là tiêm ngừa vắc xin viêm gan B đầy đủ ở các trung tâm tiêm chủng uy tín. Bên cạnh đó, cần xây dựng lối sống lành mạnh bằng cách không dùng thuốc tiêm gây nghiện, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, tránh dùng chung dụng cụ có thể vấy máu…. Đặc biệt, chủ động bảo vệ gan bằng các tinh chất thiên nhiên đã được kiểm chứng lâm sàng về tính an toàn, hiệu quả.