Bệnh viêm gan A có nguy hiểm không?
Bạn biết gì về viêm gan A?
Năm 1973, các nhà khoa học đã quan sát được một loại siêu vi gây bệnh tên là siêu vi viêm gan A hoặc HAV (Hepatitis A virus). HAV có khả năng sống trên những vật dụng khô ráo ở nhiệt độ phòng trong nhiều tuần và bị hủy trong 5 phút ở nhiệt độ sôi. HAV có thể hiện diện trong sò, ốc, đất cát, nước biển, nước thải… nhiều ngày đến nhiều tuần mà vẫn giữ nguyên tính lây nhiễm của nó .

Virus viêm gan A (Hình minh họa)
Viêm gan A lây qua đường nào?
Viêm gan siêu vi A lây nhiễm qua đường ăn uống, nguồn nước, môi trường sống nên nguy cơ lây bệnh rất dễ dàng. Các nguyên nhân thường gặp: lây nhiễm từ người sang người qua đường tiêu hóa, ăn hải sản không nấu chín, vệ sinh cá nhân không tốt, ăn chung bát đũa, sống đông đúc chật hẹp, môi trường sống ô nhiễm, nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo, tiếp xúc với người bị bệnh viêm gan siêu vi A…
Viêm gan A có nguy hiểm không?
Các nghiên cứu đã cho thấy, virus viêm gan A thường bùng phát thành ổ dịch ở những vùng quê nghèo, dân tộc ít người. Ở những nơi này, người dân thiếu nước sạch sinh hoạt, thiếu nhà vệ sinh, điều kiện vệ sinh kém và sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinhh. Người dân ở những vùng quê này không mang giày dép mà thường đi chân đất. Ở các quốc gia đang phát triển như Châu Phi, Việt Nam, các nước Đông Nam Á… có đến 90% người trên 18 tuổi không hề có các triệu chứng của viêm gan A như vàng mắt hay vàng da, nhưng khi xét nghiệm kiểm tra tổng quát đều có kháng thể bảo vệ anti HAV. Điều bất ngờ là trước đó chưa được chủng ngừa viêm gan virus A.
Điều đó chứng tỏ có tới 90% người bệnh có khả năng tự khỏi không cần điều trị. Tuy nhiên, theo số liệu của các đơn vị y tế thì vẫn có một số ít trường hợp viêm gan A diễn biến sang thể cấp tính và gây tử vong.

Người dân tộc hoặc những người ở vùng quê nghèo thương đi chân đất. Vì thế dễ bị lây nhiễm viêm gan A (hình minh họa)
Triệu chứng của viêm gan A
Dấu hiệu bệnh viêm gan siêu vi A thường mờ nhạt, không rõ ràng. Vì vậy, xét nghiệm máu là biện pháp tốt nhất để xác định bệnh. Kháng thể chống siêu vi A tăng cao trong thời gian phát bệnh. Các nghiên cứu cho thấy, phân và máu của người bệnh cũng có chứa virus viêm gan A.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus viêm gan A được nhân lên. Sẽ phát bệnh vào khoảng 30 ngày sau. Với các triệu chứng kéo dài từ tháng thứ 2-4 có khi đến tháng thứ 6, cũng có những trường hợp không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào.
Bệnh viêm gan A có chữa được không?
Vẫn chưa có thuốc điều trị viêm gan A đặc hiệu, chủ yếu là các giải pháp điều trị hỗ trợ. Khi bệnh diễn tiến nặng, tối cấp, cần cho bệnh nhân nhập viện để điều trị hồi sức cấp cứu tích cực.

Nhìn chung, viêm gan A không có tỷ lệ nguy hiểm cao. Tuy nhiên để phòng ngừa tình trạng ác tính do viêm gan A gây ra nên tiêm ngừa vắc-xin (hình minh họa)
Phòng bệnh viêm gan A
Để phòng bệnh viêm gan A, có thể vận dụng các tiêu chuẩn chung về phòng ngừa một số bệnh nhiễm trùng lây qua đường tiêu hóa.
– Rửa tay sạch bằng xà phòng: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
– Ăn chín uống sôi.
– Dùng nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn sinh hoạt.
– Vệ sinh môi trường sạch sẽ, không để môi trường ô nhiễm.
-Thường xuyên vệ sinh cá nhân, không dùng chung bát đũa.
Tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp phòng bệnh viêm gan A chủ động và hiệu quả nhất hiện nay.