Men gan tăng cao có nguy hiểm không?
Men gan cao bao nhiêu thì nguy hiểm?
AST, ALT, ALP hay GGT là những enzyme có trong tế bào gan. Bình thường chúng tham gia vào các hoạt động sinh hóa của gan, có vai trò trong việc tạo glycogen, chuyển hóa acid amin… Sự tăng lên của nồng độ men trong máu có liên quan mật thiết với các tổn thương ở gan. Do đó, nếu đặt vấn đề men gan cao có ảnh hưởng gì không? Thì câu trả lời chính xác là có, nó cho thấy rằng gan của bạn đang gặp những bất ổn và cần được quan tâm kịp lúc trước khi điều tồi tệ hơn xảy đến.
Men gan cao là dấu hiệu cảnh báo gan đang bị tổn thương bởi sự tấn công của virus hay các tác nhân độc hại từ bên ngoài
Vậy men gan cao bao nhiêu thì nguy hiểm? Các chỉ số men gan AST, ALT, GGT không vượt quá 40 UI/L có thể được xem là bình thường. Cụ thể nồng độ AST, ALT, GGT thường dao động trong khoảng 20 – 40 UI/L (riêng GGT ở nam giới có thể ở mức 11 – 50 UI/L), nồng độ ALP nằm trong khoảng 30 – 110 UI/L. Men gan cao gấp 5 lần trở lên được coi là cấp độ nguy hiểm. Do đó người bệnh cần chú ý và nhanh chóng chủ động kiểm soát ngay khi men gan còn ở giai đoạn tăng nhẹ.
Men gan cao ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Các loại men AST, ALT, GGT, ALP, ngoài có trong tế bào gan còn có thể được tìm thấy ở các mô khác như tim thận, tuyến tụy, cơ bắp. Do đó dấu hiệu men gan cao không chỉ cho biết tình trạng tổn thương gan mà còn cảnh báo những bất ổn về sức khỏe toàn thân.
1. Chỉ số từng loại men gan khác nhau cảnh báo những bệnh lý khác nhau
Chỉ số từng loại men gan cho biết điều gì? Men gan cao có nguy hiểm không? Thông thường mỗi loại men (enzym) gan có vai trò cá biệt, do đó khi gan bị tổn thương, chỉ số từng loại men gan sẽ cho biết phần nào về những khả năng có thể xảy ra với người bệnh. Theo thông tin đăng tải của Đại học Johns Hopkins , dựa trên sự tăng lên của mỗi loại men gan có thể đưa ra chẩn đoán như sau:
- AST tăng là là dấu hiệu cảnh báo bệnh gan nguyên phát, chấn thương và bệnh lý về cơ, nhồi máu cơ tim cấp, viêm tụy, nhồi máu thận, thuyên tắc phổi, ngoài ra có thể do bỏng nặng hay phẫu thuật đường ruột.
- ALT tăng có thể do tắc nghẽn đường mật, bệnh gan nguyên phát, viêm tụy.
- ALP tăng là dấu hiệu của bệnh gan nguyên phát, bệnh cận cường giáp, bệnh cường giáp, tắc nghẽn đường mật, bệnh về xương.
- GGT liên quan đến viêm tụy, bệnh gan nguyên phát, tắc nghẽn đường mật, uống rượu bia.
Điều này cho thấy rằng không phải lúc nào men gan cao cũng có nghĩa là bạn đang mắc phải bệnh lý về gan. Song, với vai trò chủ chốt trong việc chuyển hóa chất độc hại, thuốc, hay dưới tác động của các tác nhân sinh học như bức xạ, kim loại nặng,… gan trở thành đối tượng thường xuyên bị tấn công và dễ tổn thương, vì vậy mà những bệnh lý liên quan đến việc làm tăng men gan cũng nhiều hơn.
Chỉ số men gan có thể cho biết phần nào tình trạng gan đang gặp phải
2. Tỷ lệ AST và ALT phản ánh vấn đề của gan
AST và ALT là hai loại men gan phổ biến thường được đề cập đến trong các xét nghiệm và dự đoán về tình trạng của gan. Để biết men gan cao có ảnh hưởng gì các bác sĩ thường căn cứ vào tỷ lệ giữa AST và ALT trong máu người bệnh để dự đoán:
- Tỷ lệ AST/ALT < 1 (trong đó, ALT cao hơn đáng kể so với AST) đưa ra dự đoán về bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
- Tỷ lệ AST/ALT = 1 (trong đó ALT bằng AST), cho thấy khả năng mắc viêm gan siêu vi cấp hoặc nhiễm độc gan liên quan đến thuốc.
- Tỷ lệ AST/ALT > 1 (trong đó AST cao hơn ALT), là dấu hiệu theo dõi diễn tiến xơ gan
- Tỷ lệ AST/ALT > 2:1 (trong đó AST cao gấp đôi ALT) là cảnh báo về các bệnh lý gan do rượu.
Những tỷ lệ trên chỉ có giá trị tham khảo, muốn xác định cụ thể nguyên nhân khiến men gan tăng cần phải hỏi tiền sử bệnh lý và tiến hành các xét nghiệm liên quan mới biết được kết quả chính xác. Mặt khác, không phải trong mọi trường hợp men gan cao đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Chẳng hạn, ở người bị viêm gan A cấp tính, nồng độ men gan có thể tăng lên rất cao, song bệnh viêm gan A có thể tự khỏi, người bệnh có thể tự hồi phục mà không cần điều trị. Tuy nhiên, cùng là men gan cao nhưng nếu nguyên nhân là do gan bị nhiễm độc nghiêm trọng, gan thiếu máu cung cấp, thì tình trạng của người bệnh sẽ vô cùng nguy hiểm. Ở một diễn biến khác, với người bị viêm gan C mạn tính, nồng độ men gan thường chỉ tăng nhẹ, nhưng về lâu dài nếu không khắc phục đúng cách bệnh có thể diễn tiến đến xơ gan.
Đây chính là điểm khó lường của men gan cao, do đó sau khi tiến hành xét nghiệm men gan, để biết những chỉ số men gan cao có ảnh hưởng gì không, người bệnh cần tham khảo và lắng nghe ý kiến của bác sĩ, việc tiếp tục xét nghiệm và điều trị chuyên sâu hay khắc phục tại nhà sẽ do bác sĩ chỉ định.