Kiến thức về gan
I.VAI TRÒ CỦA GAN
Gan là một bộ phận rất quan trọng trong cơ thể người. Cứ 2 phút thì toàn bộ máu trong cơ thể lại di chuyển qua gan một lần để gan thực hiện hơn 500 vai trò khác nhau, trong đó nổi bật là các vai trò sau:
Vai trò chống độc
Gan giúp cơ thể chống lại các yếu tố độc hại như rượu bia, thực phẩm nhiễm độc, thuốc uống… bằng cách chuyển hóa, làm giảm độc tính, biến các chất độc thành chất không độc hoặc ít độc hơn rồi thải ra ngoài qua phân và nước tiểu.
Vai trò tiêu hóa
Mỗi ngày, gan sản xuất khoảng 1 lít dịch mật, được cô đặc và dự trữ trong túi mật. Khi thức ăn vào cơ thể, mật sẽ được tiết vào ruột để giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn.
Mọi thức ăn được tiêu hoá ở ruột đều được đưa tới gan để chế biến lại rồi mới vào máu, đi nuôi dưỡng cơ thể.
Vai trò chuyển hóa
Gan có nhiệm vụ chuyển hóa các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể như chất bột đường (glucide), chất béo (lipid) và chất đạm (protein), giúp tạo năng lượng cho hoạt động sống và nuôi dưỡng cơ thể.

Gan thực hiện hơn 500 vai trò khác nhau trong cơ thể người
Vai trò dự trữ
Gan là cơ quan dự trữ máu và dưỡng chất của cơ thể. Gan có thể chứa khoảng 1 lít máu, khi cơ thể cần thì gan sẽ co lại để đẩy máu vào hệ tuần hoàn. Gan là cơ quan quan trọng giúp dự trữ Glucose (dưới dạng glycogen), các vitamin và khoáng chất như vitamin A, D, B12, folate, sắt và đồng, cung cấp cho cơ thể khi cần.
Vai trò miễn dịch bảo vệ cơ thể
Gan đóng một vai trò then chốt trong điều hòa miễn dịch và bảo vệ cơ thể. Khả năng tiếp nhận khối lượng lớn máu đến gan cho phép gan làm sạch máu nhanh chóng.
Vai trò khác
– Giúp hấp thu những vitamin tan trong mỡ như vitamin A, D, E, K
– Sinh tổng hợp albumin, tạo áp lực keo của huyết tương giúp ổn định tuần hoàn máu.
– Sản xuất các yếu tố đông cầm máu.
II. CẤU TRÚC GAN
Gan là cơ quan nội tạng đơn lớn nhất trong cơ thể, nằm ở góc phần tư trên – bên phải vùng bụng. Gan nặng khoảng 1.400 gram ở người trưởng thành.

Gan đứng ở vị trí cửa ngõ thường xuyên ‘đón nhận’, và xử lý những chất độc hại, đồng thời tạo miễn dịch cho cơ thể.
Gan được cấu tạo bởi 60% là tế bào gan, phần còn lại là tế bào nội mô, tế bào hình sao. Giữa các dãy tế bào gan là các mao mạch kiểu xoang gọi là xoang gan. Trong xoang gan có các TẾ BÀO KUPFFER – là loại tế bào tham gia vào cơ chế sinh bệnh của hầu hết các bệnh lý về gan.